Việt Nam là một thị trường hấp dẫn bậc nhất khu vực Đông Nam Á, thu hút rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào hoạt động. Dưới đây là những điều quan trọng nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cần chú ý.
Chính sách bảo đảm và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài
1. Bảo đảm đầu tư
Nhà nước Việt Nam công nhận và bảo hộ các quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có một số nội dung chính như sau:
- Tài sản của nhà đầu tư trong mọi trường hợp không bị quốc hữu hóa hoặc tịch thu bằng các biện pháp hành chính.
- Nhà đầu tư nước ngoài được quyền chuyển ra nước ngoài toàn bộ vốn, thu nhập và các tài sản khác sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước.
- Không bắt buộc nhà đầu tư nước ngoài phải ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ trong nước hay phải đáp ứng tỷ lệ nội địa hóa; không giới hạn giá trị và tỉ lệ xuất nhập khẩu.
- Trong trường hợp thay đổi pháp luật, được chọn tiếp tục áp dụng quy định cũ hoặc áp dụng quy định mới tùy thuộc vào quy định nào ưu đãi hơn. Trường hợp không thể áp dụng quy định cũ vì lý do quốc phòng, an ninh thì được Nhà nước đền bù, khắc phục hậu quả.
Chính sách bảo đảm đầu tư tại Việt Nam khá hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài
2. Ưu đãi đầu tư
Nhà nước Việt Nam áp dụng các hình thức ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư: (i) thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp, giáo dục, y tế, năng lượng sạch…; (ii) tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; (iii) có quy mô vốn trên 6000 tỷ đồng, dự án tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên…
Các hình thức ưu đãi đầu tư:
- Miễn, giảm hoặc áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, hàng hóa, vật tư để thực hiện dự án;
- Miễn giảm tiền thuê đất, thuế đất, phí sử dụng đất.
Căn cứ pháp luật: Luật Đầu tư 2014: Điều 9 – Điều 14, Điều 15, Điều 16
Các hình thức đầu tư vào Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài
1. Thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam
Đây là cách được các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều nhất khi đầu tư vào Việt Nam.
- Ưu điểm: Minh bạch, rõ ràng; nhà đầu tư nước ngoài tham gia quản lý, sở hữu doanh nghiệp ngay từ đầu.
- Nhược điểm: Thủ tục đầu tư qua nhiều bước, cần nhiều thời gian hơn so với hình thức góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hiện hữu.
2. Góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động
- Ưu điểm: Thủ tục đầu tư đơn giản hơn, nhanh hơn so với hình thức “Thành lập pháp nhân”; Tận dụng được phần đất đai, nhà xưởng, công nhân, thị trường.. sẵn có của doanh nghiệp Việt Nam hiện hữu.
- Nhược điểm: Cần thời gian và chi phí để tìm hiểu, đánh giá và định giá doanh nghiệp Việt Nam hiện hữu mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn.
Góp vốn vào doanh nghiệp hiện hữu tại VN là cách nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn
3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Có nghĩa là nhà đầu tư, doanh nghiệp Dự án ký kết hợp đồng PPP với chính quyền nhà nước Việt Nam để thực hiện các dự án công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công như xây dựng tuyến đường sắt trên cao, cao tốc Bắc – Nam,…
4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Tức là các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư Việt Nam ký kết hợp đồng BCC nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập pháp nhân mới.
Căn cứ pháp luật: Điều 22 – Điều 29, Luật Đầu tư 2014
Nhà đầu tư nước ngoài cần cân nhắc lợi/hại của các hình thức đầu tư vào Việt Nam
Các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam dành cho nhà đầu tư nước ngoài
1. Công ty TNHH một thành viên
Công ty chỉ có một tổ chức/cá nhân làm Chủ sở hữu công ty, Chủ sở hữu công ty có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.
2. Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Là công ty trong đó các thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty. Thành viên của công ty có thể là tổ chức, cá nhân, số lượng thành viên tối thiểu là 02 và tối đa không quá 50 thành viên.
Việt Nam có nhiều doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài
3. Công ty cổ phần
Là công ty có các đặc điểm sau:
- Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần.
- Có tối thiểu 03 cổ đông, không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ cổ đông sáng lập bị hạn chế trong 3 năm kể từ ngày thành lập, chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác hoặc cho người khác nếu được sự đồng ý của đại hội đồng cổ đông.
- Có quyền phát hành cổ phiếu để huy động vốn.
4. Công ty hợp danh
Là công ty có các đặc điểm sau:
- Có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty (thành viên hợp danh) và hoạt động kinh doanh dưới một tên chung.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân. Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.
- Ngoài thành viên hợp danh, công ty hợp danh có thể có các thành viên góp vốn. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty hợp danh trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Căn cứ pháp luật: Luật Doanh nghiệp 2014
Quy định về các ngành nghề kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài
Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện nay được quy định cụ thể tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Luật số 03/2016/QH14 – Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề có điều kiện chỉ được triển khai ngành nghề đó khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Điều kiện cụ thể đối với từng ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Nghị định, Thông tư. Các nhóm điều kiện chủ yếu:
- Điều kiện về vốn pháp định (VD: 3000 tỷ VND đối với thành lập ngân hàng liên doanh, 15 triệu USD đối với thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 tỷ VND đối với dịch vụ kiểm toán…).
- Điều kiện về phòng chống cháy nổ, yêu cầu về cơ sở, vật chất tối thiểu, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm… (VD: kinh doanh nhà hàng, khách sạn, giáo dục…)
- Điều kiện về chứng chỉ hành nghề (VD: môi giới chứng khoán, tư vấn luật, thẩm định giá…)
- Điều kiện về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp (VD: công chứng viên, luật sư…)
Căn cứ pháp luật: Luật Sửa đổi bổ sung Luật đầu tư số 03/2016/QH1
Ngành nghề kinh doanh cũng là điều đáng lưu tâm cho nhà đầu tư nước ngoài ở VN
Có thể thấy, tuy Việt Nam là một thị trường “béo bở” cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng các ràng buộc về pháp lý cũng tương đối phức tạp. Để việc kinh doanh trở nên thuận lợi, đảm bảo luôn tuân thủ đúng pháp luật nước sở tại thì các nhà đầu tư nước ngoài nên tìm luật sư có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực này ở Việt Nam để nghe tư vấn.
Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm của Công ty luật Onekey & Partners là những người luôn sẵn sàng đưa ra tư vấn chuẩn xác nhất cho bạn. Tư vấn thủ tục pháp lý về Đầu tư nước ngoài FDI và ODA là thế mạnh của đội ngũ luật sư chuyên nghiệp tại đây. Bạn có thể liên hệ với luật sư của Onekey & Partners qua email info@onekeylaw.com hoặc liên hệ trực tiếp đến số: (+84) 2 45678 8989 ngay khi bạn cần hỗ trợ về pháp luật liên quan tới đầu tư nước ngoài.
Nguồn: Sưu tầm
Trả lời