VĨNH PHÚC: Công an bắt 4 người với cùng cáo buộc giết người song chỉ có một là hung thủ thực sự.
“12h, ông nhanh ăn cơm nào”, tiếng vợ giục lên trong căn nhà cấp bốn ở thôn Vạn Thắng, xã Đồng Thịnh (huyện Sông Lô) song người chồng Trần Ngọc Trinh vẫn hý hoáy đọc những tờ tài liệu nhàu nhĩ. Ông quay sang nhìn bà song chẳng nói gì, tủm tỉm bảo “giờ chẳng cần ăn uống” vẫn cứ vui vẻ bởi năm ngày nữa sẽ được rũ sạch tiếng xấu là “kẻ giết người” đeo bám 39 năm qua.
Kể từ khi VKSND tỉnh Vĩnh Phúc ấn định ngày công khai xin lỗi ông Trinh cùng hai người bị bắt oan vào sáng 9/10, căn nhà của gia đình ông Trinh đầy ắp tiếng cười, đông hàng xóm đến chúc mừng. Không cần kính, ở tuổi 78 ông Trinh vẫn đọc rõ từng chữ “nét còn, nét mất” trong tờ quyết định đình cứu (đình chỉ điều tra bị can) ban hành năm 1982, tài liệu duy nhất ông được giao khi ra khỏi trại giam. Ông nói không còn được minh mẫn như trước nhưng câu chuyện bị bắt oan thì ông vẫn nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất.
Ngày 28/1/1980, tại thôn Vạn Thắng xảy ra án mạng, nạn nhân là ông Chu Văn Quản (bí thư chi bộ thôn). Ông Trinh thấy tò mò nên cùng mọi người đi xem song chỉ dám đứng ở vòng ngoài.
Ngày 3/3/1980, ông Trinh đang trồng lạc giữa cánh đồng thì cán bộ Công an tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) cùng chủ tịch xã, công an viên xã đến đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam về tội Giết người. “Tại sao lại bắt tôi”, ông Trinh hét toáng lên giữa đám đông khi bị cảnh sát đưa về nhà khám xét. Chiều cùng ngày, ông bị đưa lên trại giam Phủ Đức (Phú Thọ).
Ông Trần Ngọc Trinh. Ảnh: Phạm Dự.
Sau những ngày tháng “đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần”, ông Trinh quyết định nhận tội để chờ ngày ra toà. Giữa tháng 5/1981, ông được cảnh sát đưa về hiện trường vụ án để thực nghiệm song không tả lại được sự việc. Ông lập tức bị đưa trở lại trại giam và một năm sau đó không còn cuộc hỏi cung nào khác.Bị lấy cung ngày hai lần trong những ngày đầu, ông một mực khẳng định không giết nạn nhân Quản. Tám tháng sau, ông bị cùm chân trong buồng biệt giam, chỉ vừa một người ngồi và có một ô sáng.
Những ngày tháng bị tạm giam, có lần bạn tù khuyên vượt ngục đi còn hơn là bị bắt một cách oan ức như thế này nhưng ông không làm theo. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông quyết định phải đấu tranh đến cùng để đòi lại công bằng cho mình và con cháu chứ không muốn sống chui lủi khi đang bị oan. Có lúc tuyệt vọng nhất, ông tự cảm thấy bất lực nên xăm hai chữ “hận đời” trên ngực.
Ngày 10/10/1982, ông Trinh được VKSND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc) ra quyết định đình cứu vì không phạm tội giết người và được trả tự do. Nhưng dù đã được trở về, ông vẫn bị xa lánh. Trong làng có đám cỗ, nhiều người kỳ thị không ngồi cùng với gia đình ông. Nhiều lúc ông ôm con mà khóc, nói “vì bố mà các con bị bạn bè hắt hủi, không được học hành đầy đủ”.
Quyết định đình cứu của ông Trinh. Ảnh: Phạm Dự.
Từ 3/1980 đến năm 1982, cảnh sát đã khởi tố, bắt ông Trinh, ông Trần Trung Thám (em ruột ông Trinh), Khổng Văn Đệ và Nguyễn Đình Ký với cùng cáo buộc. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phú sau đó xác định chỉ có một mình Ký gây án. Ngày 15/6/1983, Ký bị TAND tỉnh Vĩnh Phú tuyên phạt tù chung thân.Trong vụ án này, Công an tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ bắt nhầm ông Trinh mà hai người khác cùng vướng lao lý oan như ông.
Ông Thám bị bắt giam từ tháng 3/1980, chết hai tháng sau đó với lý do mắc bệnh kiết lỵ. Ngày 18/10/1982, ông Thám được Công an tỉnh Vĩnh Phú ra quyết định đình cứu. Ông Đệ cũng được trả tự do vào ngày 10/10/1982.
Ông Trinh nói trong suốt 39 năm đã cùng gia đình ông Thám, Đệ làm đơn gửi, yêu cầu được xin lỗi. Nhiều đêm ông thức trắng soạn hàng trăm lá đơn gửi đi khắp nơi kêu oan. Tuy nhiên, nhiều buổi làm việc “giằng co giữa các bên” vẫn không có hồi kết khiến ông mệt mỏi.
Ngày 3/10, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất sẽ công khai xin lỗi ông Trinh, Thám và Đệ vào ngày 9/10 tại UBND xã Đồng Thịnh. Vì ông Thám đã chết nên con trai ông, người đại diện hợp pháp, sẽ thay mặt dự buổi xin lỗi.
Nhà cùng ở thôn Vạn Thắng, ông Đệ năm nay 98 tuổi nói với VnEpxress: “Mừng rơi nước mắt khi cuối cùng cũng được công khai xin lỗi để không phải dằn vặt trước khi nhắm mắt xuôi tay”.
Anh Trần Văn Mạnh (con trai ông Thám) cho hay từ ngày bố bị bắt, cả gia đình kêu cứu khắp nơi. Ba anh em đều phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có tiền, bị bạn bè xa lánh vì “là con của kẻ giết người”.
Ngày 24/5/1980, gia đình được công an gọi lên thông báo ông Thám tử vong do mắc bệnh. Cùng ngày, khi gia đình đến nơi thì bố đã được đưa đi chôn, công an giải thích rằng “do gia đình đến muộn”. Từ đó, không cơ quan nào thông báo bố anh không phạm tội giết người nên suốt 39 năm nay gia đình phải sống trong tủi nhục.
Bảo vệ quyền lợi cho ông Trinh và gia đình ông Thám, luật sư Nguyễn Văn Hưng cho hay ngay từ đầu nghiên cứu hồ sơ đã nhận ra dấu hiệu oan sai với ba người bị cáo buộc liên quan vụ giết người. “Việc nhà chức trách ra quyết định đình cứu, trả tự do cho người bị bắt oan nhưng 37 năm qua không một lời giải thích hay xin lỗi làm họ sống trong khốn khổ”, luật sư Hưng nói.
Nguồn: VnExpress.net
Trả lời